Chúng ta muốn xây dựng một công ty như thế nào?
Phần 1: SỰ THẬT
Tự sự của một CEO, những suy nghĩ thầm kín.
“Tôi đang xây một công ty, mà ở đó tôi nghĩ như thế này:
Công ty này là của tôi, mọi trách nhiệm đều đổ dồn lên đầu tôi, tôi phải lèo lái nó 1 mình. Tôi thường suy nghĩ về việc phải làm gì để công ty mình tốt lên, phải chọn hướng đi nào cho công ty, phải đặt ra những mục tiêu nào, phải xử lý vấn đề nào trước vấn đề nào sau. Tôi luôn nghĩ những điều này một mình bởi tôi không nghĩ nhân viên có khả năng suy nghĩ những thứ to tát của công cy cùng với tôi, mà nếu có khả năng thì chúng cũng chẳng tâm huyết suy nghĩ cùng tôi đâu mà!
Lại nói về nhân viên, tôi tin chắc rằng đã là con người ai đi làm cũng vì tiền, cũng dễ hiểu thôi.
Làm vì sứ mệnh ư? Tôi còn chẳng có sứ mệnh).
Làm vì lợi ích chung của công ty ư? chắc chắn nhân viên phải quan tâm tới lợi ích chung của công ty rồi, nhưng suy cho cùng phải có tiền, nhân viên ấy mà, luôn nghĩ cho lợi ích cá nhân trước tiên.
Tôi luôn muốn tạo ra một công ty như một gia đình, mọi người yêu quý nhau, gắn bó và thân thiết. Nhưng nhìn lại xem, bao nhiêu đứa mà tôi tưởng sẽ gắn bó thì đã rũ áo ra đi rồi. Rốt cuộc trung thành là điều xa xỉ, tôi vẫn yêu cầu nhân viên phải như thế, tôi nói như thế nhưng trong thâm tâm… tôi chẳng còn tin.
Nhân tri sơ, tính lười biếng. Tôi thì nai lưng nỗ lực để mọi việc tốt lên, để nhân viên làm việc chỉn chu chuyên nghiệp hơn, đúng hẹn và đạt KPI. Nhưng rốt cuộc nhân viên vẫn cứ trễ này, vẫn cứ sai xót, vẫn cứ không cố gắng”.
…”
Phần 2: CÔNG TY MÀ TÔI SẼ XÂY DỰNG
Bởi vì những suy nghĩ thầm kín, vị CEO ở trên ngày ngày nỗ lực xây dựng công ty mình với nền tảng tư duy và hành động nhất quán (chỉ là không nhất quán với lời nói ra ngoài):
Nhân viên đi làm vì tiền là trên hết, vì vậy cứ nên trả lương theo cách tập trung vào thưởng phạt. Không có tiền thì nhân viên sẽ chẳng muốn làm.
Nhân viên về cơ bản không tự giác, vì vậy phải tạo ra quy trình kín kẽ, các hình thức giám sát phải tinh vi và chi tiết. Cần phạt thật mạnh tay với những vi phạm, vậy nhân viên mới tuân thủ.
Nhân viên không nghĩ cho mục tiêu, lợi ích chung của công ty, vì vậy CEO cứ đơn độc một mình nghĩ giải pháp, ngày này qua tháng khác, hổng chỗ nào vá chỗ đó, càng vá càng hổng, càng sửa càng mệt.
Nhân viên chẳng muốn nỗ lực, cứ luôn làm sai hết cái này đến cái khác, một lỗi sai 3 4 5 lần, chẳng chịu chủ động sửa sai và tiến bộ. Thật đáng thất vọng!
Nhân viên cứng đầu không nghe lời, vì vậy phải tăng cường dạy dỗ, gò vào khuôn khổ, không nghe là phải “xử”.
Nhân viên, về cơ bản, tôi sẽ nửa tin, nửa ngờ!
…
Phần 3: BẮT ĐẦU BẰNG ĐÍCH ĐẾN
Bạn đã từng suy nghĩ rằng mình muốn xây dựng một công ty như thế nào chưa?
Bạn đã từng nghiêm túc đặt câu hỏi cho bản thân rằng mình đang xây dựng công ty dựa trên những “suy nghĩ thầm kín” đang hiện hữu nào? (có giống như phần 1 không?).
Chúng ta thường lấy mục tiêu doanh số để làm đích đến, cũng có suy nghĩ về một công ty mà chúng ta mong mỏi sẽ hình thành: giống như một gia đình, nơi mọi người yêu thương giúp đỡ nhau, ai cũng nỗ lực vì tập thể, tiến bộ cá nhân mỗi ngày để trở nên xuất sắc hơn.
Nhưng trong vô thức, những “tiếng nói nhỏ” luôn vang lên trong đầu, đó là sự thật, dẫn dắt hành vi của chúng ta, những nhà lãnh đạo!
Tiền chỉ là hệ quả của các giá trị mà công ty tạo ra, các giá trị đó lại là hệ quả của một tập thể con người làm việc với nhau, cách mà tập thể làm việc với nhau lại là hệ quả của những triết lý xâu xa của nhà lãnh đạo về con người.
Nếu nhà lãnh đạo không thể mường tượng ra một tổ chức mà mình muốn xây dựng, để rồi nhất quán, kiên trì xây dựng, cuối cùng thì tổ chức đó sẽ chỉ như một cơn ác mộng với nhà lãnh đạo. Ngay cả khi tạo ra lợi nhuận, cho tới sau cùng, điều mà nhà lãnh đạo suy nghĩ là làm thế nào để thoát khỏi chính doanh nghiệp của mình! Đó có phải là ý nghĩa của “giải phóng lãnh đạo” mà vô số chủ doanh nghiệp đang suy nghĩ?
Khi con người không có mục tiêu, bước chân sẽ tiến tới trong vô thức, bị kiểm soát bởi những “tiếng nói nhỏ” vang vọng liên hồi. Và kết quả sẽ là Lạc Lối.
Phần 4: “CÔNG TY MÀ TÔI MUỐN XÂY DỰNG”
Đây là tôi, Mai Xuân Đạt, với khát khao của mình:
Tôi là một người hiểu bản thân của mình!
Những trải nghiệm của tôi từ khi còn nhỏ, đến khi đi học, tốt nghiệp, đi làm, rồi xây dựng doanh nghiệp của mình đã giúp tôi tận tưởng con người mình là ai, mình tin vào điều gì sâu sắc, và mình “khó chịu” với điều gì.
Niềm tin của tôi đối với cuộc sống, con người, với cách mà chúng ta học hỏi, giải quyết các vấn đề đã định hình nên tính cách, quan điểm của tôi. Những ai chơi với tôi, làm việc cùng tôi thường thấy tôi có những hành động, phản ứng nhất quán trước các vấn đề.
Và bởi vì sự nhất quán đó, tôi xây dựng những mối quan hệ chất lượng, tìm kiếm được những người đồng đội cùng quan điểm, gây dựng nên công ty tôi như ngày hôm nay, tạo ra giá trị cho bản thân và những người xung quanh..
Vì vậy, tính cách và quan điểm… còn có tên gọi khác, là “Giá trị Cốt lõi” của tôi.
Nhưng những điều đó, ngay từ đầu khi mở công ty, tôi vẫn chưa thực sự nhận ra. Vì vậy mà tôi đã từng mắc sai lầm: tuyển người cảm tính, với áp lực giải quyết các vấn đề trước mắt. Để rồi hệ quả là công ty càng nhiều nhân sự - hiệu quả càng giảm, còn tôi thì tất bật với các sự vụ, với các “cửa sổ vỡ” mà không thể nào kiểm soát hết được.
Giờ đây tôi chú trọng đến việc tuyển đúng “người phù hợp”, coi trọng việc tìm ra những người có cùng niềm tin, cùng Giá trị Cốt lõi để mời họ “lên chuyến xe bus”. Xung quanh tôi toàn là “người phù hợp”, và tôi thấy vui vì điều đó, phải nói là tôi thấy hạnh phúc!
Tôi có niềm tin với nhân viên của mình, với những người đồng hành. Điều đó giúp tôi có cơ hội xây dựng một công ty đúng nghĩa:
Ở công ty tôi, chúng tôi không phải lo lắng về một ai đó không muốn cống hiến cho tập thể. Mọi người đều hướng đến mục tiêu chung, vì vậy thay vì phải ÉP mục tiêu, chúng tôi chủ động NHẬN mục tiêu phù hợp với mỗi người, miễn sao mục tiêu đó cho thấy giá trị của chúng tôi đối với cả công ty.
Chúng tôi không bao giờ XUNG ĐỘT một cách xấu tính, chúng tôi chủ động HỢP TÁC. Đôi khi, trong phòng họp, chúng tôi to tiếng TRANH LUẬN, nhưng mọi người đều thoải mái vì biết rằng, tất cả đều đang vì cái chung. Chúng tôi chỉ bước ra khỏi phòng họp khi biết chắc đã thống nhất được GIẢI PHÁP và ai cũng đều rõ nhiệm vụ tiếp theo của mình.
Mỗi người trong công ty đều có khả năng TỰ CHỦ. Bởi vì mục tiêu được đặt ra bởi các cá nhân, nên tính CAM KẾT là rất cao. Ai cũng CHỦ ĐỘNG theo đuổi mục tiêu của mình và không quên việc LIÊN KẾT với đồng nghiệp để cùng thúc đẩy mục tiêu tiến về phía trước.
Động lực của chúng tôi đến từ bên trong, chúng tôi muốn hoàn thành công việc của mình, bởi vì chúng tôi đều yêu thích công việc, khát khao vượt qua chính mình. Và thường xuyên, chúng tôi trao cho nhau những GHI NHẬN, lòng BIẾT ƠN nếu có một thành viên nào đó đạt được thành công dù nhỏ, hoặc chỉ đơn giản vì sự nỗ lực.
Không một ai có tâm lý đầu hàng, e sợ hay buông xuôi. Một khi mục tiêu đã đặt ra, chúng tôi nói tới GIẢI PHÁP. Khái niệm đổ lỗi không tồn tại, vì chúng tôi đều có tư duy “LỖI TẠI BẢN THÂN”.
À, chúng tôi đều là những người có “TIÊU CHUẨN LÀM VIỆC” rất cao!
Khái niệm “SẾP” trong công ty cũng rất khác so với những gì mọi người nghĩ. Sếp không phải là người áp đặt mục tiêu hay công việc, soi mói nhân viên và “đao to búa lớn”. Ở công ty tôi, sếp chính là người bạn, là người huấn luyện, luôn lắng nghe nhân viên, xuất hiện kịp thời khi nhân viên cần và đưa ra những lời phản hồi hữu ích, luôn mang lại cho nhân viên động lực làm việc bằng những hành động, lời nói ghi nhận. Nhưng các sếp cũng rất thẳng thắn khi phê bình, bởi lời phê bình giúp mọi người hiểu rõ điều gì nên hay không nên, để chúng tôi không vấp phải các sai sót quá nhiều lần.
Người ta hay nói, nhân viên rời bỏ sếp chứ không rời bỏ công ty. Ở công ty chúng tôi, mọi người ở lại vì những người Sếp!
Một điều tuyệt vời nữa, là chúng tôi rất chú ý tới sự học hỏi và phát triển. Người ta nói rằng “Nếu một người vào công ty và khi rời khỏi công ty không có gì tiến bộ, thì đó là một công ty thất bại!”.
Chúng tôi trú trọng tới việc phát triển bản thân mỗi người. Nhưng chúng tôi không “ép” học. Chúng tôi biết rằng việc đào tạo hiệu quả nhất là khi đào tạo thông qua thực tế công việc. Bời vì chúng tôi đặt ra các mục tiêu rõ ràng và liên tục “review”, nên mỗi người đều biết bản thân đang mạnh yếu như thế nào, cần tăng cường năng lực nào. Chúng tôi đều chủ động chọn cho mình thứ mà mình cần học.
Một điều thú vị nữa là: không có KỶ LUẬT CHUYÊN CHẾ. Những thủ tục nho nhỏ nhưng khiến cho môi trường làm việc ngột ngạt như điểm danh, đếm việc… không thực sự quan trọng và cần thiết. Với chúng tôi, kỷ luật nghĩa là CAM KẾT VỚI MỤC TIÊU. Mục tiêu, quan trọng hơn sự hiện diện!
Và cuối cùng, trong công ty, mọi thứ đều rất minh bạch và trong suốt. Gần như không có điểm mù giữa các phòng ban và cá nhân. Ngay cả mục tiêu của CEO và ban lãnh đạo cũng được công khai. Ai cũng có thể dễ dàng biết mọi thông tin cũng như việc các cá nhân khác đang làm việc, cam kết với mục tiêu như thế nào. Vì vậy mà công việc luôn trôi chảy, nếu một chỗ tắc nghẽn, sẽ rất nhanh chóng được giải quyết.
Suy cho cùng, chúng tôi làm việc vì MỤC TIÊU CHUNG mà!
Phần 5: CHỈ CÓ THỂ LÀ “XHCN”?
Triết lý của một nhà lãnh đạo kiểu mới:
Con người, có mặt tốt và không tốt, khó có thể đặt niềm tin hoàn toàn. Nhưng đã là một người phù hợp với công ty của tôi, có giá trị cốt lõi giống như tôi, thì bản thân tôi sẽ đặt niềm tin hoàn toàn, bởi vì chẳng tin nhau chẳng thể nào trao quyền, chẳng thể nào kỳ vọng.
Công ty là một tập thể, giống như đội bóng hơn là gia đình. Công ty có mục tiêu chung, và tất cả cần cam kết đóng góp giá trị để hướng tới mục tiêu chung.
Tôi giỏi, nhưng nếu chung sức cả tập thể cùng suy nghĩ và hành động, sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với việc chỉ một mình tôi cố gắng lèo lái mọi thứ.
Tôi tin rằng ai cũng đi làm để có thu nhập, nhưng đó không phải là điều duy nhất, thậm chí chẳng phải là điều lớn nhất. Nhân viên cần được lắng nghe, được tôn trọng, được ghi nhận. Nhân viên cũng luôn muốn trở thành một người có giá trị trong công ty và tất nhiên, muốn tiến bộ, thậm chí là trở nên xuất sắc hơn mỗi ngày. Chắc chắn rằng chẳng ai muốn bản thân vô giá trị, tụt hậu, trở nên lười nhác, chán nản, mất động lực hay là luôn mắc lỗi sai.
Mỗi cá nhân trong tập thể, luôn đặt mục tiêu cho bản thân cao nhất là đóng góp giá trị vào mục tiêu cuối cùng. Lúc thuận lợi, chúng tôi chia sẻ lợi ích, lúc khó khăn, chúng tôi chung tay gánh vác. Tiền quan trọng, nhưng không phải là duy nhất!
Nếu nhân viên của tôi tệ, thì chỉ là do tôi, cách tôi tạo dựng nên công ty của mình không khiến cho nhân viên trở nên tốt hơn. Và nếu thực sự có những cá nhân rất rất tệ, không thể cải thiện trong công ty của tôi, cái sai của tôi chính là đã chấp nhận điều đó và để họ ở lại.
Tôi hiểu sâu sắc rằng sự cam kết là điều khó khăn với bất kỳ ai, ngay cả với bản thân tôi cũng vậy. Cam kết 1 mình luôn là thách thức lớn! Vì vậy trách nhiệm của tôi là tạo dựng một tập thể mà mỗi người có thể thúc đẩy nhau thực hiện các cam kết, trở thành con người đáng tự hào, với chính bản thân mình.
Thưởng, phạt phân minh là điều cần thiết, nhưng sự ghi nhận nỗ lực và phản hồi thẳng thắn kịp thời trước các sai xót mới là điều mà tôi cho rằng sẽ thúc đẩy mọi thứ ngày càng tốt hơn. Đòn roi chưa bao giờ là lựa chọn ưu tiên của tôi!
Với chúng tôi, mỗi ngày đi làm là một ngày vui, mỗi sáng đến công ty là một sự háo hức. Cùng nhau, chúng tôi tạo ra giá trị và lợi nhuận.
Nhân viên phù hợp, về cơ bản là những người mà tôi tin tưởng, 101%. Những ai không phù hợp, sẽ không bao giờ có chỗ trên chuyến xe của chúng tôi!
Phần 6: “XHCN” đã từng tồn tại.
Nếu bạn cho rằng những gì ở phần 5 là “lý tưởng như XHCN”, đẹp đẽ nhưng không chân thực, đáng mơ ước nhưng chẳng thực tế, thì tôi lại nói rằng: bạn à, bạn đã quên rằng bản thân mình từng có một doanh nghiệp như vậy, một doanh nghiệp mà mỗi người đều hứng khởi mỗi sáng đi làm, cùng chung sức vì mục tiêu chung, chẳng nề hà bất kể điều gì, đầy động lực và đam mê dù tiền chưa có, đó là những ngày đầu khởi nghiệp. Đúng vậy đó, bạn đã từng có một công ty lý tưởng như vậy đó.
Đừng để những trải nghiệm sai lầm làm bạn đánh mất đi niềm tin về con người, đừng để những bài học cay đắng khiến bạn từ bỏ giấc mơ, giấc mơ về một doanh nghiệp mà bạn dành toàn bộ tình yêu để xây dựng.
Suy cho cùng, khởi nghiệp, xây dựng một sự nghiệp, đến cuối cùng, chẳng phải vì tiền đâu!
Chúc bạn tìm ra đích đến cho doanh nghiệp của mình.
- Mai Xuân Đạt, người đi xây móng doanh nghiệp -