Niềm tin của Sếp quyết định cách cả công ty vận hành
Niềm tin sâu sắc rất khó nhận ra, nó nhẹ nhàng chi phối mọi hành động mà chúng ta hầu như không nhận ra
Hôm trước, tôi có bài post như thế này:
Bạn muốn con bạn ngoan ngoãn gọi dạ bảo vâng, chỉ làm những gì bạn cho phép trong khuôn khổ do bạn tạo ra, mọi hành động đều phải chuẩn theo những bước mà bạn yêu cầu, bạn có quy trình ăn, quy trình chơi, quy trình yêu đương cho nó…;
Hay bạn muốn con cái hiểu rõ mục tiêu cuộc đời nó, biết nó muốn gì, cần gì, linh hoạt lựa chọn hành động để đạt mục tiêu, miễn là phù hợp với các giá trị đạo đức, trở thành con người tự chủ?
Chắc bạn đã có câu trả lời, bạn muốn nuôi dạy con theo cách (2), muốn con mình là Sói chứ không phải Gà công nghiệp đúng không?
Bây giờ, thay nhân vật nhé, thay vì Con của bạn, hãy thay thành Nhân viên của bạn xem, bạn đang quản trị theo cách nào? Có phải là cách (1)?
Có nhiều anh chị phản hồi đáng lưu ý, mình xin phép tóm tắt như sau:
Một tập thể nhiều nhân viên khác với nuôi dạy 1 2 đứa con
Mỗi người một trình độ, kinh nhiệm, thái độ khác nhau nên không bỏ quy trình đi được
Tùy giai đoạn của doanh nghiệp, có những giai đoạn cần đề tạo tính tuân thủ, quy trình bài bản
Bạn có nhận ra điểm chung trong các nhận định trên là gì không? Tôi cho rằng (với kinh nghiệm của mình), hầu như chúng ta không nhận ra một điều: chúng ta thiếu niềm tin ở nhân viên.
Như tiêu đề của bài viết này, niềm tin của Sếp sẽ dẫn dắt cách mà người sếp suy nghĩ, tư duy rồi sau đó là hành động.
Bạn có nhận ra rằng trong suy nghĩ của mỗi người sếp chúng ta, từ lúc nào đó không rõ, đã dần mất đi niềm tin với nhân viên của mình?
Nội dung mà tôi đăng tải, chỉ đơn thuần nói rằng bạn mong muốn nhân viên của mình là Gà Công Nghiệp hay Sói, nhưng những gì mà nhiều người tiếp nhận không đơn thuần như thế. Trước khi nghĩ đến việc dẫn dắt nhân viên thành Gà hay Sói, thì trong tư duy chúng ta đã nghĩ nhân viên chính là Gà, và Gà thì không thể hóa Sói. Niềm tin này ẩn sâu, tồn tại một cách tự nhiên, chặn đứng cơ hội để câu hỏi “bạn mong muốn nhân viên của mình là Gà Công Nghiệp hay Sói” được sinh ra.
Vấn đề ở đây không phải là nhân viên của chúng ta có thể thành Sói hay không, mà mặc định nhân viên là những chú Gà Công Nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức.
Tôi hay nói về việc thiết lập mục tiêu như thế này: “Nếu bạn đặt ra mục tiêu thách thức, chưa chắc bạn đã đạt được. Nhưng nếu bạn không cả dám đặt ra mục tiêu thách thức, thì rõ ràng là chắc chắn bạn sẽ không đạt được” (vì mục tiêu đó có tồn tại đâu).
Ví dụ thế này cho dễ hiểu. Bạn thấy những bạn trẻ hô vang “tôi sẽ kiếm 1 triệu usd trước 30 tuổi” thật kỳ quặc đúng không? Đồng ý là nhiều bạn trẻ khá kỳ quặc, huyễn hoặc, đặt ra mục tiêu như thế thật vọng tưởng, chắc gì đã kiếm nổi 1 triệu usd? Đúng vậy, CHẮC GÌ đã kiếm được! Nhưng nếu không đặt ra mục tiêu đó, thì CHẮN CHẮN sẽ không kiếm được.
Để tôi kể cho các bạn một câu chuyện:
Cách đây nhiều năm, tôi có dịp sang học tập ngắn ngày ở Google Singapore (vì công ty tôi là đối tác của Google). Tôi đã cực kỳ tò mò và ấn tượng với cách mà các bạn nhân viên Google đón tiếp đoàn Việt Nam, tổ chức các buổi hội thảo và cả các buổi thăm quan.
Tôi đếm chỉ có 3 bạn tổ chức và hỗ trợ mọi hoạt động. Tuy ít người nhưng về mức độ chuyên nghiệp, tôi chưa từng chứng kiến ở bất kỳ đâu trước đó và cả sau này, cho tới tận bây giờ.
Mọi hoạt động diễn ra cực kỳ trơn chu, mọi chi tiết được chuẩn bị, thực hiện và cả việc xử lý các tình huống, sự cố phát sinh vô cùng nuột nà.
Là một người luôn tò mò và thích quan sát, thay vì tập trung học tập, tôi lại tập trung… để ý 3 bạn nhân viên Google, và tôi phát hiện ra điều thú vị: mỗi bạn đều cẩm trong tay 1 tập bìa A5, trên đó có ghi chi tiết các nội dung cần thực hiện của từng hoạt động, bao gồm cả hướng dẫn xử lý các sự cố (kể cả kiểu sự cố bé tí như là “khách đi WC và quên đường về khán phòng”, thật kinh dị!).
Tôi đặt ra thắc mắc “các bạn không phải là nhân sự chuyên tổ chức sự kiện, ai đã tạo ra một quy trình hoàn hảo đến vậy?”.
Và câu trả lời mà lúc đó tôi không thể hiểu được: “không ai đưa chúng tôi quy trình này cả, chúng tôi đã tự họp và viết ra chúng”.
Tôi cũng ngay lập tức tự đối thoại bản thân rằng “oh, đúng là người Google, những con người tài giỏi, nhân viên của mình không thể được như thế!”.
Với tôi ngày xưa mà nói, nhân viên mình không thể tâm huyết, giỏi giang để có thể tạo ra những quy trình tinh vi đến vậy, nếu để nhân viên làm thể nào cũng sai xót, tôi chắc chắn sẽ phải tự mình viết ra quy trình và nhân viên sẽ thừa hành.
Bởi vì lúc đó, cũng giống như bao bạn đọc của tôi bây giờ, tôi tin rằng “nhân viên không đủ giỏi”.
Với niềm tin đó, tôi đã gần như chưa bao giờ cho nhân viên của mình cơ hội tự đặt ra kế hoạch, trình tự, quy trình để thực thi công việc. Và nhân viên thì chẳng bao giờ có cơ hội để bắt tay tạo ra những quy trình cho những công việc mà họ trực tiếp thực thi.
Tất nhiên, để nhân viên của chúng ta có thể tạo ra “quy trình kinh dị” như người của Google thì khả năng là khó, có lẽ chỉ được 50% 60% sự kín kẽ mà tôi đã được chứng kiến. Nhưng vấn đề là chúng ta tước đi ngay cả cơ hội để nhân viên mình có được năng lực 50% 60% người Google (và có thể phát triển lên 70% 80% sau mỗi lần sai và học hỏi).
Mà này, có chắc nếu sếp tự tay làm ra quy trình, sẽ tốt hơn cái 50% 60% mà nhân viên tự tạo ra chứ?
Peter Drucker, cha đẻ của quản trị học hiện đại, tác giả của triết lý quản trị mục tiêu (MBO) được cả thế giới ứng dụng 70 năm qua, nói đại loại thế này: Quy trình là cần thiết và nên được tạo ra bởi người thực thi (tức là nhân viên).
Quay trở lại với nội dung tôi viết ở trên, có đoạn “hiểu rõ mục tiêu… linh hoạt lựa chọn hành động để đạt mục tiêu”, nghĩa là mỗi nhân viên sẽ cần có mục tiêu cho riêng mình, phù hợp với mục tiêu chung, rồi sau đó lên kế hoạch hành động, tạo ra quy trình nếu bản thân họ thấy cần thiết.
Tuy nhiên, những thiên kiến về sự lười nhắc, bất cẩn, thiếu trình độ mà chúng ta gán cho nhân viên đã làm cho bản thân bỏ qua cơ hội tìm hiểu một cách cặn kẽ về những gì hiện ra trước mắt.
Quy trình, trong công ty to hay nhỏ, chưa bao giờ là không cần thiết. Nhưng cách mà một công ty, tổ chức tạo ra quy trình sẽ quyết định tình hiệu quả của quy trình.
Đàn SÓI, nhất thiết cần mục tiêu, một số việc của đàn SÓI cũng cần quy trình.
Đàn Gà, có thể sẽ cần mục tiêu, chắc chắn phải có quy trình.
Nếu bạn có thể hiểu niềm tin ẩn sau 2 câu trên, thì bài viết này của tôi đã thành công.
Nếu không, thì… hãy đọc thêm các bài sau này tôi viết nhé:D
Ăn trưa ngon miệng!
- Mai Xuân Đạt, người đi xây móng doanh nghiệp -