Thư gửi nhân viên. (Từ CEO đang buồn)
Gửi các bạn mà tôi yêu quý!
Tôi viết bức thư này trong tình trạng tâm trạng mệt mỏi và chán nản, không chỉ với công việc mà còn với chính công ty mà tôi đã dành cả tâm huyết để xây dựng. Khi bắt đầu, tôi luôn tin tưởng rằng sứ mệnh của chúng ta là tạo ra sự khác biệt trong thế giới kinh doanh đầy thách thức. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy mình đang lạc lõng giữa chính công ty mà mình tạo ra.
Công ty của chúng ta đã hoạt động được nhiều năm, với quy mô nhân sự đến giờ cũng ngót nghét 100 người. Chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ những ngày đầu khó khăn đến thời điểm hiện tại. Nhưng tăng trưởng, dù luôn dương, nhưng không như kỳ vọng. Tôi luôn hy vọng mỗi bước tiến của công ty sẽ mạnh mẽ và vững chắc hơn, nhưng thực tế lại không phải vậy.
Mỗi ngày tôi càng trở nên bận rộn hơn, dành phần lớn thời gian để giải quyết những vấn đề không ngừng nảy sinh. Điều này khiến tôi không còn thời gian để tập trung vào những kế hoạch lớn mà tôi đã ấp ủ. Tôi bắt đầu cảm thấy mình không còn là người cầm lái hiệu quả trong chính công ty mình nữa.
Điều khiến tôi đau lòng hơn cả là việc nhân viên không thực sự hiểu hoặc không hành động theo những gì tôi mong muốn. Dường như có một khoảng cách, một sự hiểu lầm không thể giải quyết giữa tôi và các bạn. Và điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tôi, mà còn đến cả hiệu suất làm việc của mọi người.
Trong công ty, mâu thuẫn giữa các phòng ban đã trở nên quá phổ biến. Tôi thường xuyên phải là người đi giải quyết, nhưng không phải lúc nào tôi cũng tìm ra cách giải quyết hợp lý. Điều này khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và không còn niềm tin vào đội ngũ quản lý của mình.
Khắp các bộ phận, các bạn đang hàng ngày phải làm việc quá tải và không cảm thấy hạnh phúc (tôi biết). Tôi nhận ra rằng áp lực công việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và sức khỏe của mọi người. Điều này càng làm tôi lo lắng khi một số nhân viên bắt đầu có thái độ tiêu cực, thậm chí nói xấu công ty và chính tôi.
Sự thay đổi nhân sự liên tục làm tôi không kịp trở tay. Việc tuyển dụng liên tục không chỉ làm tăng chi phí mà còn khiến công ty mất đi sự ổn định. Tôi bắt đầu cảm thấy chán nản và muốn thoát khỏi tình trạng hiện tại, thậm chí có lúc tôi muốn bán công ty để giải phóng bản thân.
Lợi nhuận giảm sút khi quy mô của chúng ta tăng là dấu hiệu không thể phủ nhận rằng có điều gì đó không ổn trong cách chúng ta vận hành. Khác với những ngày đầu, khi mà mọi thứ dường như đều thuận lợi, giờ đây mỗi quyết định kinh doanh đều không mang lại kết quả như mong đợi.
Mối quan hệ giữa tôi và các trưởng phòng cũng trở nên căng thẳng. Chúng tôi không còn hiểu nhau, không còn chung một hướng đi, và điều này ảnh hưởng đến cả công ty. Nhân viên không muốn nhận chỉ tiêu cao và thường không đạt được mục tiêu đề ra. Sự chán nản, trách móc và thiếu trách nhiệm đã trở thành vấn đề lớn.
Công ty đã áp dụng nhiều quy định và quy trình mới, nhìn bên ngoài thì chúng ta có vẻ như đang "pro" hơn, nhưng chúng lại tạo ra thêm nhiều rắc rối hơn là giải quyết vấn đề. Sự phức tạp không cần thiết này chỉ làm nặng thêm gánh nặng cho mọi người.
Chất lượng sản phẩm và dịch vụ giảm sút, khiến khách hàng không hài lòng. Điều này làm tôi cảm thấy thất vọng, bởi tôi luôn tự hào về chất lượng mà chúng tôi mang lại. Nhưng giờ đây, mọi thứ dường như đang đi xuống.
Đội ngũ nhân sự không tiến bộ như tôi mong đợi. Tôi có tầm nhìn lớn cho công ty, nhưng không còn tin tưởng rằng đội ngũ của mình có thể thực hiện được. Tôi cảm thấy mình đang mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn mà không thể tìm ra lối thoát.
Cuối cùng, tôi rất muốn có thời gian cho bản thân, nhưng mọi thứ dường như đều phụ thuộc vào tôi. Tôi cảm thấy bất lực và mất kiểm soát. Việc gì cũng đến tay tôi, mọi quyết định đều phải do tôi giải quyết. Tôi cảm thấy mệt mỏi và không biết phải làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này.
Tôi không muốn đổ lỗi cho các bạn, tôi nghĩ có thể là do tôi. Nhưng thực sự mà nói, tôi chẳng biết tại sao chúng ta lại đang như thế này. Tiếp theo, sẽ ra sao?
Trân trọng,
[CEO của công ty]
-------------------------------------
Đó là những gì tôi tổng hợp từ việc lắng nghe chia sẻ của các CEO công ty quy mô 100 nhân sự thời gian vừa qua. Nó gần như là hành trình chung điển hình. Bản thân tôi cũng đã trải qua hành trình như vậy - Mai Xuân Đạt.