Lãng phí của doanh nghiệp (phần 2): quá nhiều lãng phí.
Tại sao Tây lại có hiệu suất cực cao còn Ta thì lại... làng nhàng?
Trong bài viết trước, tôi có thảo luận về việc doanh nghiệp đang lãng phí năng lực của mình bởi thiếu đi định hướng, mục tiêu chung, hoặc có nhưng nhân viên không biết, không hiểu.
Và tôi có nói rằng tôi sẽ viết tiếp các bài về chủ đề này. Chậc, tôi đã đẩy mình vào thế khó! Khi bắt đầu suy nghĩ về chủ đề này, tôi đã khá là hoảng vì… có quá nhiều thứ để viết.
Là một người thiên về logic, tôi đã tìm thử số liệu, để chứng minh trước khi tiếp tục viết, rằng Việt Nam chúng ta thật sự rất có vấn đề với hiệu suất và năng suất.
Ảnh trên được lấy từ blog Conrad Hùng (tôi cũng ngại tìm thêm, nhưng chắc không cần phải chứng mình thêm đâu).
Các phân tích chỉ ra hàng tá vấn đề khiến năng suất của Việt Nam chúng ta đứng phía cuối các bảng xếp hạng, từ giáo dục, quy mô, công nghệ đến cơ sở vật chất… Nhưng không có nguồn thông tin nào chỉ ra nguyên nhân đến từ vấn đề Quản trị, Quản lý. Vậy thôi, coi như tôi sẽ là người nói về vấn đề này đi, một cách cảm tính không có số liệu đi kèm.
Chúng ta thường nghe rằng 1 người Nhật làm việc sẽ thua 1 người Việt, 2 người Nhật làm việc sẽ thua 2 người Việt, nhưng 3 người Nhật làm việc thì sẽ thắng 3 người Việt.
Nói vậy, có vẻ cũng hơi có tâm lý tiểu nhược, tự hạ thấp mình. Nhưng xét trên khía cạnh quản trị, quản lý, tôi cho rằng ví von đó không sai.
Những gì tôi nói trong bài trước, về thất bại của các công ty yếu về quản trị mục tiêu trong việc phát huy tối đa sức mạnh tập thể, đã được thế giới nhìn nhận và bắt đầu cải tiến từ những năm 1950 (lúc chúng ta còn đang vất vả chống giặc ngoại xâm). Có thể nói rằng đối với chủ đề Quản trị, thế giới đang di chuyên bằng tàu cao tốc, còn chúng ta thì mới sắm được chiếc xe đạp!
Bây giờ chuyển qua chủ đề chính. Thay vì viết lần lượt từng bài viết về chủ đề sự lãng phí của doanh nghiệp, tôi sẽ liệt kê ra đây những gì tôi sẽ viết tiếp theo đã, để cho các bạn dễ theo dõi trong thời gian tới.
Lãng phí vì sự thiếu niềm tin từ người làm Sếp.
Lãng phí vì cách trả lương, thưởng sai lầm.
Lãng phí vì thói quen thích đánh giá hiệu suất nhân viên.
Lãng phí vì tuyển dụng bừa bãi.
Lãng phí vì thói quen giao việc.
Lãng phí vì dùng sai phương pháp thúc đẩy động lực.
Lãng phí vì niềm tin mù quáng vào quy trình.
Lãng phí vì sự cả nể trong giao tiếp.
Lãng phí vì kiệm lời khen.
Lãng phí vì không biết cách họp.
…
(thật sự là nhiều quá, thôi tôi để ngỏ, có gì bổ sung thêm sau).
Một lưu ý nhỏ khi đọc những bài viết này, tôi sẽ hầu như không nói tới những lãng phí đến từ nhân viên đâu. Bởi tôi đã lựa chọn niềm tin “về cơ bản con người là tốt”, nhân viên sai là từ cái sai của sếp mà ra. Thật lòng mà nói, thật kỳ cục khi một ai đó đứng ra thành lập doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự và sau đó lại đổ lỗi thất bại cho nhân viên, có ai bắt chúng ta phải điều hành doanh nghiệp của mình như thế nào đâu, đúng không? Lỗi lầm gì là từ chúng ta mà ra hết!
Vậy nhé, hẹn lên bài những ngày tiếp theo.
p/s: một số bạn có hỏi tôi về việc blog thu phí.
Khi bạn là người mới và muốn theo dõi blog (subcribe), Substack sẽ chuyển bạn qua cửa sổ với các lựa chọn:
Tại đây, bạn có thể lựa chọn cột cuối cùng (Free), không nhất thiết phải lựa chọn trả phí. Có thể hiểu đơn giản việc trả phí này là một hình thức donate (quyên tặng) cho tác giả (tại nền tảng Substack). Hiểu đơn giản hơn nữa thì là ai đó yêu quý tôi và muốn cổ vũ cho những chia sẻ của tôi thì gửi quà động viên.
Ồ hay quá ạ, e rất mong chờ các bài viết tiếp theo của anh. Nay thấy tbao chuẩn bị tâm thế để đọc bài dài cùng suy luận thì bài viết hnay lại rất đỗi nhẹ nhàng 🤣 dễ tiêu hoá buổi sáng ạ 🤣